Microsoft thậm chí còn có hẳn một bản nội quy về sự hài hước trong công ty.
Công ty vừa thua thầu vào tay đối thủ. Bạn là người chịu trách nhiệm chính, phía dưới là đám đông đau khổ ê chề. Bạn nói gì với họ trong câu đầu tiên”, một công ty xây dựng tại TP.HCM đã hỏi các ứng viên như vậy.
Số người rớt sau khi trả lời câu này nhiều không kể xiết. Ai cũng nói những câu đồng cảm, có người thậm chí còn rưng rưng nhận hết khuyết điểm về mình. Ứng viên trúng tuyển là người cười tươi và nói: “Giờ chúng ta ở đây ai cũng đã là á hậu cuộc thi gay cấn vừa qua”.
Không ghi rõ trong yêu cầu tuyển dụng, nhưng nhiều công ty Việt Nam ngày nay đã ngầm chấm điểm khiếu hài hước của các ứng viên bên cạnh trình độ, kinh nghiệm và ngoại hình.
Ở Việt Nam, yếu tố hài hước trong tuyển dụng còn khá mới mẻ. Còn ở nước ngoài, nó đã là một trong những yếu tố then chốt khi chọn người. Công ty Microsoft coi các câu hỏi kiểm tra khiếu hài hước của nhân viên là phần quan trọng trong buổi phỏng vấn. Những câu hỏi ứng viên thường gặp là: “Hãy kể cho tôi nghe một trường hợp bạn sử dụng khiếu hài hước trong bài thuyết trình. Nó có hiệu quả không? Nếu phải thực hiện bài thuyết trình này một lần nữa, bạn sẽ thay đổi nó như thế nào?” Hoặc: “Hãy kể cho tôi nghe một tình huống mà khiếu hài hước không có hiệu quả. Bây giờ bạn sẽ tiếp cận tình huống đó như thế nào?”…
Đối với một số nhà lãnh đạo, sự hài hước giúp họ tiếp xúc và trao đổi với cấp dưới thường xuyên và dễ dàng hơn. Ít có nhân viên nào dám đùa, hay bộc bạch tâm tư với lãnh đạo nếu đó là một lãnh đạo lạnh lùng, không bao giờ đùa vui. Nhân viên sẽ coi đó là ông chủ mặt sắt và những gì họ muốn chỉ là làm sao hoàn thành cho xong việc, hơn là đóng góp ý tưởng, bàn về sáng tạo.
Trong những tình huống cấp bách, khó khăn, nếu lãnh đạo vẫn còn bình tĩnh để nói những câu hài hước, đó sẽ là liều thuốc kích thích mạnh mẽ với nhân viên. Họ tin rằng, thử thách này không nằm ngoài tầm kiểm soát và có thể lãnh đạo hoặc người nào đó đã có một giải pháp sẵn sàng rồi. Và đó lại chính là giải pháp.
Một khảo sát của tổ chức Robert Half International (Mỹ) cho thấy, 91% lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng khiếu hài hước là điều quan trọng giúp cho sự nghiệp mỗi người đi lên; 84% tin rằng người có khiếu hài hước sẽ làm việc tốt hơn người “mặt sắt”.
Các nhà lãnh đạo này đã trải nghiệm nhiều và đều tin rằng, hài hước là một tiêu chí không thể thiếu của một người thành đạt.
Ngay cả tân Giáo hoàng Francis, trong một sự kiện, đã nói với các Hồng y rằng ông và họ đều là những người già cả, nhưng điều này đồng nghĩa với việc họ có sự khôn khoan trải đời. “Rượu vang luôn ngon thêm sau mỗi năm”, ngài nói. Nghe câu đó xong, không khí tòa thánh nhẹ đi trông thấy. Khi đó, ai cũng cảm nhận được rằng đây là vị giáo hoàng dễ gần.
Tuy nhiên, không phải hài hước lúc nào cũng được chấp nhận ở công sở.
Một số công ty tỏ ra khó chịu với những người hài hước. Họ cho rằng đó là những anh chàng lông bông thiếu nghiêm túc. Nếu lãnh đạo của họ hài hước, họ sẽ gượng cười và nghĩ rằng, đó chỉ là món khuyến mãi rẻ tiền để che giấu những mưu đồ gì đó.
Do vậy, hạt giống hài hước có nảy mầm được hay không là nằm ở văn hóa công ty. Nếu công ty ủng hộ bằng cách này hay cách khác với những người vui vẻ hài hước, thì tiếng cười nơi đó mới có thể vang lên mà công việc vẫn trôi chảy. Những người ít có khiếu hài hước cũng có thể tự tin, thoải mái đưa ra nhiều câu vui vẻ hơn trong một môi trường như vậy. Và sau khi cùng nhau uống hàng chục thang thuốc bổ, họ sẽ quay nhanh về với công việc với niềm hưng phấn, tâm lý thoải mái và sức khỏe dường như cũng tăng lên từ lúc nào.
Microsoft thậm chí còn có hẳn một bản nội quy về sự hài hước trong công ty. Họ chia ra 4 cấp độ để đánh giá năng lực hài hước của nhân viên, trong đó mức độ cao nhất là người có thể thấy sự hài hước ở hầu hết mọi việc. Nhưng đồng thời, họ còn có những cảnh báo về những thứ đùa vui quá đà để nhân viên tránh làm. Đó là một trong những điều tạo nên văn hóa công ty cho người khổng lồ phần mềm này.
Tất nhiên, hài hước không có nghĩa là trở thành một diễn viên hài ngay giữa một công ty đầy sổ sách. Dân công sở ở Việt Nam thường có thói quen dùng những lời nói đùa để cạnh khóe hay mỉa mai nhẹ với người khác. “Hôm nay anh Bảo chi tiền à, hèn gì trời Sài Gòn lốc to”. Đó không phải là hài hước mà câu nói mang mùi châm chọc. “Em Hương hôm nay xinh quá, để anh sờ cái xem nào, ôi êm quá”. Đó cũng không phải là hài hước mà là sự quấy rối tình dục, một tội có thể bị phạt tới 75 triệu đồng, theo dự thảo được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra lấy ý kiến.
Vấn đề nằm ở chỗ, hài hước nơi công sở phải đúng lúc, đúng người và đúng hoàn cảnh. Đó là cả một nghệ thuật. Người vui vẻ và làm mọi người vui vẻ nơi công sở là một nghệ sĩ.
Theo: Nhịp cầu đầu tư